Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

Nơi thờ cúng các Vua Hùng và lễ hội đền Hùng

     Tại Lâm Thao, Vĩnh Phú, vua Hùng được thờ cúng trong cả một quần thể kiến trúc với ba di tích chính: từ đền Hạ lên đền Trung, đến đền Thượng. Đền Hạ được coi là noi bà Âu Cơ sinh ra bọc thai trăm trứng nở thành trăm ngườicon; đền Trung là nơi hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng mời vua và đền Thượng là nơi Hùng Vương làm lễ tế trời đất, cầu Thần Lúa cho con cháu dân Việt ngàn đời được sống trong cảnh bình an, no đủ, hạnh phúc. Cạnh đền Thượng có lăng nhỏ, truyền là mộ Tổ.

Nơi thờ cúng các Vua Hùng và lễ hội đền Hùng

     Trước đền có cột đá thề, tục truyền, trước khi lên ngôi, Thục An Dương Vương đã thề trước vong linh các vua Hùng là trọn đời giữ gìn giang sơn gấm vóc, mà Tổ tiên để lại. Ngoài ra, xung quanh các di tích thờ vua Hùng còn có những di tích nhỏ như Giếng Ngọc, Đền Giếng (gắn với sự tích hai nàng Tiên Dung và Ngọc Hoa – con gái vua Hùng thứ 18), đền thờ người anh hùng làng Gióng… và những dãy núi lớn nhỏ hướng về núi Mẹ. Cảnh quan nơi đây quả thật là đẹp và kỳ vĩ.

     Với tầm cỡ quốc gia, ngày giỗ Tổ đã thành lý do cho việc hình thành một kỳ lễ hội kéo dài tưng bừng suốt từ mùng 8 đến 11 tháng ba (âm lịch). Nhưng đúng vào ngày 10, từ sớm tinh mơ, ngườiđã đổ về đây chứng kiến cuộc tế lễ vua Hùng. Từ các đại diện cấp cao của nhà nước cho đến những ngườibình dân bình thường lam lũ, ai nấy đều thành kính thắp nén nhang thơm tỏ lòng biết ơn và cầu mong linh hồn vua Hùng phù hộ cho mình, cho gia đình mình, cho con cháu cả nước và cho vận mệnh dân tộc. Các nghi thức tế, lễ, dâng hương, dâng hoa, dâng rượu được tiến hành trang trọng. Người ta cũng dâng nhiều đồ lễ vật, đặc biệt có bánh dày, bánh chưng dâng lên vua cha và nhớ ơn công đức các vua Hùng đã dạy dân trồng lúa. Sau khi làm lễ, người ta tiến hành các đám rước có nội dung liên quan đến truyền thuyết Hùng Vương, có múa hát xoan theo kiểu hát nghi lễ. Ngoài ra, ở phần hội còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như đu tiên, múa rối, tung còn, hát đúm, đánh trống đồng…

     Có thể nói, ngày giỗ Tổ Hùng Vương là sự phát triển cao có tính chất trừu tượng hóa ý thức về cội nguồn, bắt rễ sâu xa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở làng xã, trong gia đình và gia tộc. Triết lý cội nguồn trên phạm vi quốc gia ấy cũng đã đóng góp một phần quan trọng trong việc củng cố về mặt lý luận cho sự liên kết các quan hệ máu mủ thân tộc. Nhà và nước, nước và nhà, nước mất thì nhà tan, nước giàu thì dân mạnh. Chính vì thế, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam từ gia đình – dòng họ đến Tổ quốc đã không ngừng được gìn giữ bảo tồn qua các bước thăng trầm của lịch sử, bất chấp mọi mưu đồ đồng hóa của giặc ngoại xâm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
;