Đồng bằng Bắc Bộ là cái nôi hình thành tộc Việt, nhà nước cổ đại Văn Lang – Âu Lạc, và văn hóa cổ truyền Việt Nam. Bởi vậy, qua diện mạo Thành hoàng ở đồng bằng Bắc Bộ ta cũng có thể hình dung được diện mạo chung của tục thờ phụng này ở nước ta.
Để tiện cho việc trình bày diện mạo và phân bố tục thờ Thành hoàng, chúng tôi phân chia thành ba loại lớn: 1) Thành hoàng có nguồn gốc Thiên thần; 2) Thành hoàng có nguồn gốc Nhiên thần (tức nguồn gốc tự nhiên); 3) Thành hoàng có nguồn gốc Nhân thần. Trong mỗi loại, ta có thể phân chia nhỏ hơn.
Thành hoàng có nguồn gốc Thiên thần
“Thiên” là trời, tức là các vị thần có nguồn gốc từ trời, trong đó kể cả các vị chưa được “nhân hóa” hay đã được nhân hóa (mang dáng vẻ con người, thậm chí sống đời sống của con người). Đó là các trường hợp sau:
- Thống lĩnh hào quang, Tích Lịch Hào Quang (Thần Hào Quang), thờ ở thôn Đông Khê, Pháp Thượng, Thụy ứng thuộc Đan Phượng, Hà Tây cũ. Có trường hợp các vị thần hào quang này đã nhập vào lá phướn của đạo Phật.
- Thành hoàng là Tứ Pháp (mây, mưa, sấm, chóp) thờ ở nhiều làng ở ven sông Hồng. Có địa phương, biến dạng của Tứ Pháp là Ngũ Lôi: Nhất Phong, Nhị Vũ, Tam Vân, Tứ Điện, Ngũ Lôi, thờ ở thôn Hạ Kỳ, Nghĩa Hưng (Nam Định).
- Thành hoàng là một số tinh tú trêntrời, như Nam Tào, Bắc Đẩu (làng An Điều, Đan Phượng, Hà Tây cũ), Nữ thần Sao Sa (thôn Duyên Lăng, Trực Ninh, Nam Định) hay Tam Tinh Đại Vương (Đình Nội thôn Đình Xá, Chương Mỹ, Hà Tây cũ).
- Các vị Tiên, các thần linh trong Đạo giáo, cao nhất có Ngọc Hoàng (ở Nam Phong, Nam Trực), các Thánh Mẩu trong Tam Phủ, Tứ Phủ, Tứ vị Thánh Vương Mầu Liễu (Tiên Thiên Thánh Mẩu ở Trực Thanh, Trực Định, Nam Định), Thánh Mầu Thiên Y A Na (Hải Cát, Hương Trà, Thừa Thiên Huế) Chử Đồng Tử – Tiên Dung – Tây Sa, một trong Tứ Bất Tử của Việt Nam (xã Tự Nhiên, Thường Tín, Hà Tây cũ).
Việc thờ phụng các Thiên thần với tư cách là các vị Thành hoàng – vị thần bảo hộ cho cộng đồng làng xã, là hoàn toàn dễ hiểu vì trong xã hội cổ truyền, vị thế của người nông dân là: Trông trời, trông đất, trôngmây Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét